Triết học Yoga trong tình yêu và hôn nhân

Hôm nay xin phép nói về chủ đề Tình Yêu, cái thứ mà trên cái cõi này từ Cổ chí Kim, từ Đông sang Tây ai ai cũng không ít lần khốn khổ vì nó!
Thế tại sao người ta lại yêu, rồi kết hôn? Đó có phải chỉ là một việc phải làm trong đời này, hay ẩn sau nó có lý do nào khác?

Mình nghĩ, lý do khiến con người ta “yêu” là để người ta “Trưởng Thành”! Vì một lý do nào đó bạn được chọn sinh ra làm người, điều mà thần linh muốn bạn có được khi hoàn thành cuộc hành trình này chính là sự Trưởng Thành. Mức độ trưởng thành của bạn tỷ lệ thuận với khả năng điều khiển cảm xúc, hành động của bản thân. Và tình yêu hay hôn nhân là một bài học dài dạy ta rất nhiều điều, trong đó có một thứ quan trọng mà triết học Cổ Kim, Đông Tây, Âu Á đều nói đến, đó chính là sự “Tự Chế Ngự”. Hay còn gọi là tự điều khiển bản thân, thứ được điều khiển ở đây là cảm xúc, lời nói, hành động của chính mình. Trong Yoga người ta dạy nhau cách điều tiết hơi thở, cũng nhằm chỉ để chế ngự bản thân mà thôi.

Làm chủ cảm xúc

Đầu tiên khi học về triết lý Yoga, bạn sẽ được hỏi Yoga là gì?
Yoga không phải làm một môn thể thao để mang ra thi đấu, các cuộc thi mà bạn từng nghe tới của Yoga chỉ là một sản phẩm của nền kinh tế hiện tại. Chúng ta xin phép không bàn tới nó ở đây. 
Chỉ xin nhắc lại, Yoga là một phương pháp chế ngự thân tâm. Là một cách sống.

Với các môn thể thao chúng ta có học được sự quyết tâm trong cạnh tranh, học được kỹ thuật thi đấu, hay những kỹ năng vận động. Tuy nhiên rất ít thời gian dành cho việc quan sát trái tim, cơ thể của mình. Rất ít thời gian học cách sử dụng cơ thể sao cho đúng. Chúng ta hướng ra bên ngoài, hướng về đối thủ của chúng ta nhiều quá. 

Còn với yoga, chúng ta giành toàn bộ thời gian và nỗ lực của mình để hướng vào bên trong, đối diện với cơ thể mình, tâm trí mình! Từ đó làm chủ cảm xúc của mình.

Làm chủ cảm xúc là một điều khó, không hề dễ dàng, nhưng bạn phải làm được, nếu không bạn sẽ bị điều khiển. Hãy tưởng tượng nếu bạn không có chút khả năng điều khiển cảm xúc thì bạn như con rối trong vở kịch, người ta muốn bạn khóc rồi lại muốn bạn cười, bạn bận rộn với vai trò con rối của mình mà không một phút rảnh rỗi cho sự thanh tịnh của tâm hồn.

Khi không điều khiển được cảm xúc, rất nhiều người có xu hướng nghĩ về những điều không tồn tại. Trong hôn nhân khi những suy nghĩ tiêu cực xuất hiện, chúng ta tràn ngập với những từ giả định, như “nếu anh ấy giàu hơn thì…”, “nếu cô ấy không tiêu tiền quá nhiều….”, “nếu anh ấy tâm lý như chồng người ta thì…”, tất cả những suy nghĩ giả định đấy chỉ để bào chữa cho cái thất bại mà họ đang gặp phải, thay vì đối mặt giải quyết nó với sự bình tĩnh của cảm xúc, thì họ chọn cách chạy trốn trách nhiệm của bản thân. Họ nói với trọng tài của cuộc đời họ rằng, “bất hạnh này là do lỗi tại nửa kia, không phải tại tôi!”

Mọi thứ đều có năng lượng của riêng nó, năng lượng của suy nghĩ tiêu cực trong bạn, trước hết sẽ phá huỷ bạn, rồi tiếp theo sẽ phá huỷ những thứ mà bạn yêu thương, những thứ mà bạn muốn bảo vệ. Phá huỷ hết, từ to cho đến nhỏ, từ gần cho tới xa, từ thứ yêu nhiều nhất rồi tới thứ yêu ít nhất!

Mình không biết từ bao giờ, từ đâu mà có cái văn hoá coi trọng đối phương tới nỗi gọi người ta là một nửa còn lại của mình, cứ như thể nếu thiếu một nửa thì bạn không trọng vẹn. Chính vì lý do đó là nhiều khi phụ thuộc vào cái nửa đó tới nỗi bị ảnh hưởng bởi đối phương quá nhiều như, đối phương vui thì vui lây, đối phương buồn thì buồn lây. Mình không nói đấy là điều xấu, chỉ muốn nói rằng, nếu người ta buồn mình cũng không làm chủ được cảm xúc để có thể là chỗ dựa tinh thần cho họ thì phỏng bạn có ích gì cho họ trong những lúc như thế? Nếu bạn làm chủ được cảm xúc của mình, bạn gọi tên được nỗi buồn của đối phương thì sẽ giúp họ nhìn nhận nỗi buồn của chính họ để mà vượt qua.

Buông bỏ (Aparigraha)

Trong Yoga, người ta dạy nhau cách buông bỏ, buông bỏ ở đây là buông bỏ những ham muốn, buông bỏ những rối rắm phức tạp không cần thiết.
Ví như sẽ chọn nước lọc thay cho bia, rau xanh thay cho thịt cá, hít thở thay cho âm nhạc ồn ào,…

Chính cái khả năng buông bỏ là khả năng giúp bạn tìm thấy bản chất thực của mọi việc, và ngay chính trong tình yêu nó sẽ giúp bạn tìm thấy tình yêu đích thực của mình.
Bạn buông bỏ danh lợi thì bạn không vướng phải mối quan hệ với những người sáo rỗng, bạn buông bỏ ham muốn nhục dục thì bạn tránh được những khổ tâm ê chề nhục nhã, bạn buông bỏ cái tôi cao ngạo thì bạn tránh được những tổn thương, bạn buông bỏ những kỳ vọng vào đối phương thì bạn nhẹ gánh tâm hồn, đối phương của bạn cũng vui sống.

Để tìm thấy chính mình, bạn cần từ bỏ những cái không phải của mình. Trong Yoga người ta dạy rằng, cái ham muốn kia không phải là bạn, bạn có thể tiệt trừ được nó, nếu bạn yếu đuối để nó tồn tại nó sẽ thay đổi liên tục, nó làm khổ bạn, làm khổ người bạn yêu thương.
Nếu bạn buông bỏ được những cái không phải của bạn, thứ còn lại trần trụi và rất thật, người chấp nhận bạn, yêu bạn ở trạng thái không hoa lá, không màu mè đó chính là tình yêu đích thực mà bạn có thể lựa chọn.

Ahimsa – Thiện lành (Từ Bi)

Phao cứu sinh cuối cùng của bạn, của tình yêu đó chính là sự Thiện Lành (Ahimsa). Trong Yoga đây là triết lý rất rất quan trọng, bởi vì nó là kim chỉ nam của cuộc sống, của bất kỳ ai muốn hướng tới sự bình yên và hạnh phúc. Sự Thiện Lành là không có sát sinh, không nói lời cay độc, không làm đau người thậm chí không làm đau chính mình.
Nếu như ai đó không buông bỏ được, không kiềm chế được cảm xúc, thì tối thiểu nhất họ phải giữ được sự thiện lành của mình. Có sự thiện lành này thì người đó sẽ không gây hại để nhận một nhân quả đau đớn.

Bạn hoàn toàn có thể thực hành sự Thiện Lành của mình thông qua cách im lặng và nụ cười mọi lúc, cả khi bạn cảm thấy đau đớn, thậm chí tuột cùng đau đớn! Nhất quyết không nói ra những điều làm đau lòng đối phương, nhất quyết không nói ra những lời có thể dẫn tới kết quả mà bạn không muốn.

Mình thấy nhiều cô gái nực cười lắm, chỉ vì giận dỗi, ích kỷ nhưng không muốn chia tay đâu, muốn làm đối phương đau chỉ để biết đối phương yêu mình tới đâu (dù sao thì điều này cũng xuất phát từ sự cao ngạo, yêu chiều cái tôi của chính mình), họ thường xuyên đòi chia tay. Họ đã phạm phải điều tối kỵ, họ đã thiếu sự Thiện Lành. Những lời nói ra nên là những lời không làm tổn thương ai, là những lời không dẫn lời kết quả mà họ không mong muốn!
Càng đau buồn, càng phải thiện, càng phải lành!

Kết

Mình cũng như bạn, trên con đường tu tập, mỗi ngày – mỗi ngày nhặt một hạt sỏi để xây một thứ gọi là Trưởng Thành. Hi vọng những triết lý Buông Bỏ, Từ Bi rồi cao nhất là điều khiển cảm xúc sẽ giúp chúng ta tìm thấy, bảo vệ tình yêu của mình để từ đó “trưởng thành”.

Thôi, tới đây cũng đủ dài rồi, hẹn các bạn lần sau ta lại suy ngẫm!

Suggested
Suggested contents and articles.
Suggested Contents
Triết học Yoga – Yoga là gì?
Có một chuyện thế này mà mình không thể nào quên được. Mỗi ngày đi làm về, anh xã đều hỏi mình “How are you today”? Và mình thường trả lời “Bình thường” Và một hôm, sau khi trở về, anh ấy cũng lặp lại câu đó, chắc là một
Brahman – Atman trong tư tưởng Ấn Độ và Yoga
Bạn tới với thế giới này từ đâu? Bạn sẽ đi về đâu sau khi chết? Hẳn rất nhiều người trong chúng ta có những câu hỏi như thế này! Chúng ta là ai? chúng ta và thế giới này có mối quan hệ như thế nào? Trong cuộc sống
8 bước luyện tập Yoga (8 nhánh yoga)
Có nhà triết học người Nhật bản Tempu Nakamura nói rằng, con người có hai phần, phần Sinh Hoạt (Life – Cuộc sống), và phần Sinh Tồn (Survival – Sự tồn tại của sinh mệnh, hay có thể gọi là Thân Tâm). Chúng ta thường quan tâm tới hôm nay
12 Nguyên tắc hành Thiền
Luyện tập Thiền là quá trình thực hành hướng các giác quan vào bên trong, để tập trung tâm trí vào một điểm. Những quy tắc dưới đây được đúc kết từ ngàn năm trước, khi mà con người bắt đầu hành trình tìm kiếm thế giới sâu bên trong
Comments
All comments.
Comments

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.