Yoga và các tế bào thần kinh

Có bao giờ bạn có chuyện buồn, bạn nghĩ về nó, rồi bạn lại càng buồn, rồi bạn lại tiếp tục nghĩ về nó, rồi tự nhiên chuyện buồn khác từ trong quá khứ kéo đến khiến bạn chìm ngập sâu hơn vào nỗi buồn, thậm chí những nỗi buồn mà bạn tưởng tượng ra, những nỗi buồn thuộc về tương lai bủa vây khiến bạn lo lăng, sợ hãi. Rất khó khăn để bạn thoát ra khỏi trạng thái này!

Chuyện quái gì đang xảy ra với bạn vậy?

Nó không phải do tính cách của bạn đâu, nó là một cơ chế của hệ thần kinh mà ai cũng có!Nói một chút về hệ Thần Kinh đã. Các tế bào thần kinh được cho là không tự tạo mới sau khi chúng ta trưởng thành, kiểu như trong thành phố có 100 cái nhà là 100, không thêm được nữa. Việc có thể thêm là xây thêm đường để nối từ nhà nọ sang nhà kia, rồi bảo dưỡng mấy con đường này để xe cộ chạy trên đó mượt mà hơn.

Chúng ta có ngần đó các tế bào thần kinh, việc của chúng ta là giữ chúng khoẻ mạnh và tăng kết nối giữa chúng. Não chúng ta rất kỳ diệu, chúng thay đổi khi chúng ta tương tác với môi trường bên ngoài, chúng có thể tự sửa đổi sau những biến cố cuộc sống, cơ chế này gọi là Khả Biến Thần Kinh, tiếng Việt này chắc dịch theo tiếng Tàu nhưng tiếng anh là Neuroplasticity, để chỉ sự tự điều chỉnh, tự sửa đổi của não bộ.Nếu khả năng biến đổi của Thần Kinh của bạn tốt sẽ giúp bạn học tập cái mới tốt hơn, nghi nhớ tốt hơn, nhận thức tốt hơn,… tóm lại là học giỏi hơn, dễ thành công, kiếm tiền nhiều hơn.

Ngon!!! Nếu chúng ta luyện tập thể dục thường xuyên, ăn uống đủ dưỡng chất, sẵn sàng học cái mới, thử những thử thách mới, học ngôn ngữ mới,… thì chúng ta đang kích thích và giữ cho những tế bào thần kinh và kết nối của chúng khoẻ mạnh.

Quay lại chuyện bạn đang buồn và làm thế nào thoát ra nhé.Nếu bạn đang trong trạng thái căng thẳng mệt mỏi không dứt ra được thì những liên kết trong hệ thần kinh Giao Cảm của bạn đang quá vững chắc. (Hệ thần kinh Giao Cảm là gì mình chú thích bên dưới, nếu bạn chưa biết thì đọc thêm nha)

Nếu ví như trong thành phố 100 cái nhà kia, có 50 cái nhà lúc nào cũng nở hoa, thư giãn, vui vẻ (thuộc hệ thần kinh Đối Giao Cảm). Còn 50 cái nhà lúc nào cũng căng thẳng, làm việc và làm việc (thuộc hệ thần kinh Giao Cảm). Nếu kết nối giữa 50 cái nhà u ám kia quá vững chắc thì khi có một tín hiệu buồn phiền, căng thẳng trong cuộc sống xảy ra, các tín hiệu này được truyền từ nhà này sang nhà khác, hết ngày này qua ngày khác. Chúng không thoát ra để tới với những ngôi nhà hoa hồng khác.Làm thế nào thoát ra khỏi những cung đường u ám đó?

Yoga và thiền có thể giúp bạn cắt đứt chu kỳ lặp đi lặp lại khó chịu của nỗi buồn cũng như là của cảm giác đau triền miên của những cơn bệnh mãn tính. (Nghiên cứu của Đại Học New York)Tóm lại:Não chúng ta có tính Khả Biến Thần Kinh, tức là tự chữa lành, tự sửa các cung đường cho giao thông thông thoáng hơn giữa các tế bào thần kinh. Chúng ta hãy xây những kết nối đồng đều giữa các ngôi nhà bằng cách tập thể dục, Yoga, thiền định, hít thở, học những triết lý về tính buông bỏ, hỉ xả, từ bi, tập nghi nhớ những điều tốt đẹp và nhắc lại chúng mỗi dịp có thể, biết ơn, chia sẻ cho mọi người những gì mình yêu thích, ăn ngon, ngủ đủ,…Khi có một chuyện buồn xuất hiện, các kết nối giữa 50 ngôi nhà u ám và 50 ngôi nhà đầy hoa kia rất tốt thì việc bạn thoát ra khỏi nỗi buồn, căng thẳng sẽ rất dễ phải không nào?

Hồi học Yoga ở Firstship, cô giáo Eiko Ichikawa dạy Triết Học Yoga rất nổi tiếng và rất được yêu quý ở Nhật, hôm đó cô giảng về Hạnh phúc, có kết luận rằng muốn cảm nhận được hạnh phúc, chỉ có con đường luyện tập Yoga. Mình nghĩ trong người, kỳ quá, có người hạnh phúc mà đâu cần biết tới Yoga chứ. Mình hỏi cô, “Không còn con đường nào ngoài Yoga hả cô?” Cô trả lời, “Không! Em sẽ hiểu tại sao cô nói thế cho đến khi em hiểu thực sự Yoga là gì. Người chơi bóng chày cũng có thể là người hạnh phúc, người ngày ngày luyện tập tư thế Yoga cũng có thể đang bất hạnh nếu họ không sống theo cách sống của Yoga chỉ dạy”.

Uhm, mình vẫn thích cách dạy, cách phân tích và đi vào vấn đề của các trường bên Mỹ hơn, khoa học, rõ ràng!Giờ mình tin lời cô, sau bao năm tự tìm hiểu tự dấn thân vào “con đường Yoga” mà cô nói ngày đó.

Chú thích: Chúng ta có hệ thần kinh giao cảm và đối giao cảm.

– Giao cảm làm những việc như kiểu điều khiển việc co mạch máu, tăng huyết áp, tăng nhịp tim, điều khiển cơ bắp làm việc, tiết mồ hôi, ức chế hoạt động hệ tiêu hoá,… Khi hê thần kinh giao cảm bị kích thích thì chúng ta trong trạng thái căng thẳng, không thư giãn.

– Hệ thần kinh đối giao cảm thì làm những việc ngược lại như: Giãn mạch máu, giảm huyết áp, giảm nhịp tim, cơ bắp nghỉ ngơi, tăng nhu động ruột, giảm tiết mồ hôi,… Nghe đã thấy thư giãn rồi ha!

Comments
All comments.
Comments

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.