Hatha Yoga là gì? Có các loại Yoga phổ biến nào khác?

Chắc hẳn các bạn luyện tập Yoga đã nghe về nhiều cái tên như Hatha Yoga, Vinyasa Yoga, Yin Yoga, Iyengar Yoga, Power Yoga, Buti Yoga… hay Oki Yoga (một loại Yoga do người Nhật cải biên), những cái tên này đã từng làm mình lúng túng với các câu hỏi như, chúng khác nhau thế nào? tôi phù hợp với loại Yoga nào?
Sẽ thật thiếu sót nếu không giải thích sơ qua các loại Yoga, vì thế mình sẽ nói qua các loại Yoga và cuối cùng sẽ nói về Hatha Yoga nhé.

Vinyasa Yoga

Vinyasa Yoga hay còn gọi là “flow yoga” hay “vinyasa flow”. Flow nghĩa là dòng chảy, như cái tên của nó, các động tác và hơi thở trong Vinyasa nhịp nhàng với nhau như một dòng chảy, từ động tác này sang động tác khác, mềm mại, dẻo dai, bền bỉ. Đối tượng tác động của Vinyasa là các cơ trong toàn bộ cơ thể. Mình cũng rất yêu thích các bài Vinyasa, nó cho mình cảm giác yên tĩnh dù đang chuyển động một cách mạnh mẽ, có lẽ bởi Vinyasa Yoga có khả năng điều hoà hệ thần kinh thông qua việc kết hợp các hơi thở nhịp nhàng trong từng động tác.

Vinyasa phù hợp với mọi đối tượng, từ người mới bắt đầu cho tới người đã có nhiều năm kinh nghiệm.

Yin Yoga

Trong khi các bài tập của Vinyasa tác động vào các các cơ thì Yin Yoga với các động tác gập sâu, vặn sâu, thời gian dừng lại ở các động tác kéo dài (từ một tới năm phút) tác động vào các mô sâu bên trong cơ thể như các mô liên kết ở khớp, gân, xương, và hệ thống mạc cơ chạy khắp cơ thể. Từ đó tăng cường lưu thông máu tới các khớp, làm dẻo dai các khớp xương, thư giãn các đốt sống lưng.

Các bài tập tập trung vào các khớp hông, lưng, vai cổ và chúng thường được sử dụng cùng các dụng cụ hỗ trợ như dây đai, chăn,… Yin yoga phù hợp với mọi đối tượng, đặc biệt được phụ nữ luyện tập trước, trong và sau chu kỳ hành kinh nhằm lưu thông khí huyết, giảm căng thẳng. Ngoài ra hiện nay được các vận động viên ưa chuộng nhằm để xoa dịu sự căng cứng của cơ thể sau khi luyện tập với cường độ cao.

Iyengar Yoga

Được đặt theo tên người sáng tạo ra nó, ông tên B.K.S. Iyengar. Iyengar Yoga phổ biến ở Mỹ từ những năm 1970. Iyengar Yoga đòi hỏi giáo viên ở trình độ cao với sự hướng dẫn cực kỳ tỷ mỉ. Các động tác cũng chậm rãi, ít đòi hỏi cường độ cao. Nó thường được luyện tập kèm với các dụng cụ hỗ trợ như ghế, dây đai, tường,… nên phù hợp với những người gặp hạn chế trong việc thực hiện các động tác Yoga.

Power Yoga

Các bài tập trong Power Yoga không đòi hỏi sự tỷ mỷ mà thường chú trong về các chuỗi chuyển động, sự linh hoạt, sức mạnh cơ thể. Các động tác trong Power Yoga chuyển động nhanh, liên tục. Luyện tập nó giúp bạn tăng cường cơ bắp và tính linh hoạt dẻo dai của toàn bộ cơ thể. Power Yoga được sử dụng nhiều trong các phòng tập Hot Yoga (nhiệt độ và độ ẩm cao) nhằm tăng cường sự mềm dẻo cơ thể, kích thích ra mồ hôi nhằm mục đích thải độc. Có thể dễ dàng thấy rằng chuỗi chào mặt trời được sử dụng xuyên suốt chiều dài của hầu hết các bài tập của Power Yoga.

Power Yoga phù hợp với những người thích sự linh hoạt, ít quy tắc trong các động tác. Tuy nhiên nếu bạn là người mới bắt đầu luyện tập Yoga, bạn chưa biết nhiều về các nguyên tắc và giới hạn cơ thể mình, bạn sẽ dễ thực hiện các động tác sai, từ đó có thể ảnh hưởng không tốt tới cơ thể, sức khoẻ. Vì vậy mình nghĩ rằng bạn không nên bắt đầu con đường rèn luyện Yoga bằng các bài tập Power Yoga với cường độ cao, thay vào đó hãy bắt đầu từ Hatha Yoga (mình sẽ nói về nó ở phía sau).

Buti Yoga

Buti Yoga là sự kết hợp giữa Yoga cổ điển với các điệu nhảy của các bộ lạc, chuyển động cơ bản và điều hòa cường độ cao cho tim mạch. Được tạo bởi huấn luyện viên nổi tiếng Bizzie Gold, nó được thiết kế để cung cấp một bài tập yoga đốt cháy calo, tạo hình cơ thể và năng động. Có lẽ nếu bạn còn ở độ tuổi đôi mươi, nếu thử Buti Yoga bạn có thể sẽ thấy yêu thích vì sự vui nhộn và trẻ trung của nó.

Hatha Yoga

Có thể bạn nghĩ rằng Hatha Yoga là một loại Yoga cụ thể nào đó giống như những loại trên, nhưng không phải! Hatha Yoga là từ chỉ chung cho loại hình Yoga, vì vậy những loại hình Yoga kia có thể được gọi là Hatha Yoga, mặc dù chúng có những đặc trưng riêng. Tuy chung chung như vậy nhưng với các bài tập được gọi là Hatha Yoga, bạn sẽ được thực hành các tư thế Yoga cơ bản, từ các tư thế dễ thực hiện tới những tư thế đòi hỏi phải luyện tập lâu năm. Các bài tập Hatha Yoga kết hợp giữa sự tập trung hơi thở, độ chính xác của tư thế và thiền, từ đó giúp người tập cảm nhận cơ thể và hơi thở, hướng sự chú ý vào bên trong, để từ đó giúp họ hiểu về cơ thể và tâm trí của mình.

Với những người mới bắt đầu luyện tập Yoga, nên bắt đầu bằng những bài tập Hatha Yoga cơ bản, để hiểu rõ các tư thế Yoga, cũng như hiểu rõ thể chất và tinh thần của bản thân, từ từ nâng chúng rồi tiếp tục thử thách bản thân với những loại hình Yoga khác.

Kết

Còn rất nhiều loại Yoga, và có thể trong tương lai còn có rất nhiều loại mới sẽ được sáng tạo ra, tuy nhiên bạn phải kiên nhẫn kiếm tìm loại nào là phù hợp với mình lúc này, lúc bạn đôi mươi và lúc bạn đã bước sang tuổi tứ tuần là hai cơ thể khác nhau. Để có thể sử dụng Yoga là công cụ hỗ trợ cuộc sống của mình, bạn nên hiểu về nó một cách bài bản và tường tận, điều đó đòi hỏi sự học tập và tình yêu của bạn với Yoga rất nhiều.

Yoga không chỉ nằm ở các động tác vận động cơ thể, nó còn là sự quan sát tâm trí, suy ngẫm và cuối cùng là khả năng thấu hiểu chính mình, thấu hiểu vũ trụ. Chính vì thế ngoài việc luyện tập để trau dồi sức khoẻ thể chất lẫn tinh thần, những người Yogi phải luôn hướng tới chân thiện mỹ và sự cống hiến. Chúc bạn luôn làm mới mình mỗi ngày với kiến thức và tình yêu.

Suggested
Suggested contents and articles.
Suggested Contents
Cải thiện giấc ngủ – mất ngủ – ngủ không ngon
Bạn đã nghe thấy từ “giấc ngủ REM” và “giấc ngủ Không REM” bao giờ chưa? Chưa cũng không sao, hãy cùng mình tìm hiểu về nó. Giấc ngủ vô cùng quan trọng với sinh mệnh của bạn, vì thế hãy đọc tới cuối bài nhé! Ở bài này mình
Giới thiệu Luân xa (Chakra)
Chakra là một từ tiếng Ấn Độ cổ có nghĩa là vòng tròn, đĩa, bánh xe. Trong Yoga nó được sử dụng để chỉ trung tâm năng lượng của cơ thể con người, được cho là kiểm soát tâm trí và cơ thể. Nếu bạn quan tâm đến Yoga hoặc
8 bước luyện tập Yoga (8 nhánh yoga)
Có nhà triết học người Nhật bản Tempu Nakamura nói rằng, con người có hai phần, phần Sinh Hoạt (Life – Cuộc sống), và phần Sinh Tồn (Survival – Sự tồn tại của sinh mệnh, hay có thể gọi là Thân Tâm). Chúng ta thường quan tâm tới hôm nay
12 Nguyên tắc hành Thiền
Luyện tập Thiền là quá trình thực hành hướng các giác quan vào bên trong, để tập trung tâm trí vào một điểm. Những quy tắc dưới đây được đúc kết từ ngàn năm trước, khi mà con người bắt đầu hành trình tìm kiếm thế giới sâu bên trong
Comments
All comments.
Comments

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.